Ích kỷ trong tình cảm

Viết bởiazabookadmin
07/03/2015
680

Bạn bè nói em là người ích kỷ trong tình cảm. Không cần phân biệt giới tính, khi em thấy thích và mến ai thì em chỉ muốn họ thuộc về riêng em. Lúc trước, em đã làm cho người cô mà em yêu mến chuyển từ thương đến sợ vì em đã thể hiện tình cảm quá đáng. Bây giờ với cô giáo chủ nhiệm cũng vậy, cô giáo mà dễ thương thì học sinh nào không mến nhưng em chỉ muốn thuộc về riêng mình, bực bội khi thấy cô giỡn với bạn khác.

Biết điều mình nghĩ là sai và em không muốn xảy ra tình cảnh như lúc trước nên em đã tìm cách phản kháng lại tình cảm của mình đối với cô bằng cách "ghét cô vô điều kiện", tìm mọi cách chống đối lại cô làm như vậy em mới có cảm giác thoải mái. Em đang sợ không biết mình có bị đồng tính hay không? Điều em làm như vậy có đúng không? Em thấy hoang mang quá!!!

            Hương (lớp10 THPT Huỳnh Thị Hưởng, Chợ Mới An Giang)

                                                                                         

Sau khi đọc tình huống của em, anh đã choáng trong 2 phút cơ đấy! Nhưng sau đó nhìn lại anh đã thấy một "ánh sáng ở cuối đường hầm", chính là việc em đã tự nhận ra được điều mình làm là sai. Có được điều này, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ em đã biết mình sai nhưng vẫn không thể điều khiển được cảm xúc ích kỉ ấy của mình.

Thực ra một số bạn teen cũng giống như em đấy, bởi đây là giai đoạn tình cảm trong teen phát triển khá là mãnh liệt chứ chưa trở nên điềm hoà như những người lớn. Điều này lại cộng hưởng với đặc điểm trong hệ thần kinh của tuổi trẻ: thần kinh rất dễ hưng phấn nhưng ức chế lại yếu hơn hẳn nên nhiều bạn trẻ không kiểm soát nổi cảm xúc của mình.

Thông thường ở một số bạn, khi lứa tuổi sẽ qua thì cảm xúc ấy cũng sẽ qua. Tuy nhiên em cũng nên tập kiểm soát cảm xúc của mình để sự ích kỉ không ăn sâu vào tính cách và trở thành một người "độc tài" trong mọi mối quan hệ. Đầu tiên, hãy dũng cảm nói cho bạn bè và người cô ấy biết sự khổ tâm của em. Nói ra được là giải toả được một nửa rồi đấy, và có thể bạn bè hay thậm chính cô giáo ấy sẽ cư xử đồng cảm với em hơn, cho em một tâm trạng thoải mái, ít tự dằn vặt mình, từ đó giúp em cởi mở hơn trong tình cảm. Ngoài ra, một đứa bé tham ăn chỉ muốn ăn một mình thì cách tốt nhất là bắt bé ấy bẻ bánh ra để mời mọi người nhằm tập cho bé thói quen chia sẻ. Em hãy tập chủ động "kết nối" người em yêu quý với những người khác (cùng tham gia khi cô giỡn với bạn khác, chủ động gợi chuyện để cô cùng đùa với mọi người, trò chuyện với bạn bè về cô xem cô như là "người của công chúng" chứ không phải chỉ của riêng mình...). Có thể ban đầu em sẽ khó chịu lắm đấy nhưng không ai khác có thể bắt em bẻ bánh ngoài em. Chính sự "tập luyện" sẻ chia đó sẽ giúp cho em dần quen với việc chia sẻ và rộng mở hơn trong tình cảm của mình.

Tình cảm là một thứ rất nhạy cảm, nếu ta càng bóp chặt thì nó càng mau chết. Tự cho phép mình mở lòng chia sẻ thầy cô mà mình quý mến sẽ giúp chúng ta sống nhẹ nhàng hơn và giữ được tình cảm thầy trò ngày càng bền chặt. Đó cũng là một bước tập luyện cho cảm xúc của mình để tránh "bóp nghẹt đến chết" những mối quan hệ khác sau này.

0 Hay!
Có thể bạn quan tâmKhóa học có liên quan
Bình luận
Bạn cần đăng nhập trước khi bình luận

0