Chiến đấu với con

Viết bởiazabookadmin
20/04/2015
894

Con tung khổ nhục kế

Mẹ dùng tuyệt chiêu

Kế 1: Gào thét

Bà mẹ đang xào nấu trong bếp, cu cậu 5 tuổi lon ton chạy vào.

- Mẹ! Mẹ! Con muốn ăn bánh kem trong tủ lạnh!

- Thôi, sắp tới giờ cơm rồi.

- Con muốn ănnnnn!!!

- Không là không!!!

Cu cậu nhoài xuống sàn nhà kêu khóc gào thét giãy giụa.

- Thôi thôi im dùm mẹ đi! Một miếng thôi đó!

=> Đứa trẻ học được “Không” + “Gào thét” = “Có”.

Kế 2: Tuyệt thực

Sang lớp 5, kết quả học tập của Bình Dương sa sút hẳn do mải chơi game online. Sau khi xem sổ liên lạc học kì I, ông bố quyết định “cắt” Internet. Anh chàng làm mặt giận và bắt đầu… tuyệt thực. Thấy con quày quả bỏ bữa trưa, việc cớ học bài để bỏ bữa chiều, tối cũng không thèm ăn một miếng, bố mẹ bắt đầu…cồn cào trong lòng. Sáng hôm sau, khi lên phòng gọi đi học, cậu không muốn đi vì nhức đầu, mệt mỏi, đau…tim. Quá lo lắng cho con, nóng ruột sợ con mất bài vở, bà đành bắt ông bố nối lại Internet ngay trong ngày.

Kế 3: Dọa tự tử

Sau những lần “tranh luận” quyết liệt mà không “vòi” được chiếc điện thoại đời mới, cô bé lớp 8 đã khóc thút thít và hai phút sau, từ trong phòng, xuất hiện với một chai thuốc trừ sâu trước sự sửng sốt của cha mẹ. Hoảng hốt giành lại chai thuốc từ tay đứa con gái yêu, ông bố và bà mẹ ngay lập tức nhìn nhau nghi ngại. Qua ngày hôm sau, cô bé ngồi đờ đẫn nhìn…một chai thuốc khác đang để trên bàn. Ông bà lập tức thay thế cái chai oan nghiệt bằng chiếc điện thoại cảm ứng láng o.

Kế 4: Đem chuyện học hành ra hăm dọa

Gia đình em V.Sơn (học sinh trường THPT DBN, Tp.HCM) ngỡ ngàng khi cô giáo chủ nhiệm thông báo mấy tuần qua em đi học trễ liên tục – điều chưa từng xảy trước đó. Sau một hồi hai bên cùng mổ xẻ nguyên nhân, bà mẹ mới khám phá ra cách đây ba tuần, bà đã từ chối khi “cậu ấm” đòi mua xe máy đi học vì cậu đã bắt đầu 18 tuổi. Hai vị phụ huynh còn “tá hỏa” thêm khi cô giáo thông báo “tin nóng”: chỉ cần thêm 2 lần đi trễ, “tài khoản” hạnh kiểm của Sơn ở trường sẽ bị trừ đến mức 0, với hạnh kiểm đó, cậu sẽ không đủ tư cách tham dự kì thi cuối cấp. Ông bố bà mẹ ra về với vẻ mặt buồn rười rượi... Sáng hôm sau, cả lớp kháo nhau về chiếc xe “láng coóng” mà Sơn mới cưỡi đến trường.

Bí kíp nào cho bố mẹ?

Rất nhiều bậc phụ huynh thừa biết việc nuông chiều con từ nhỏ sẽ tạo thành một thói quen “muốn gì phải được nấy”. Tuy nhiên họ vẫn thua cuộc vì không có đủ sự kiên trì và cứng rắn để đương đầu đến cùng với “chiến tuyến” của con.

Chẳng hạn như, khi con gào thét, bà mẹ hoặc là tội nghiệp hoặc là bực bội lấy miếng bánh để “lấp tiếng gào” của nó lại. Hiếm ai có thể “bơ” theo kiểu chủ nghĩa makeno (mặc kệ nó) cho đến khi thằng bé khản cổ rồi tự động…tắt đài.

Nếu con bạn tuyệt thực, hãy để cho con trẻ… tuyệt thực. Bạn cứ sẵn sàng hi sinh một ngày đi học của con để dạy con một điều mà chưa chắc một ngày ở trường trẻ đã học được. Nếu “khổ nhục kế” không còn tác dụng, trẻ sẽ chẳng còn dùng đến nó.

Không chỉ kiên gan đến cùng trong “cuộc chiến tình thương” với con cái, phụ huynh cũng cần tận dụng khéo léo vị thế làm cha mẹ. Đừng để trẻ khống chế người lớn mà trong trường hợp này, người lớn phải “nắm đằng chuôi” bằng cách đặt điều kiện. Nếu con muốn nối lại internet, con phải hứa với mẹ kết quả học kỳ này phải loại giỏi; nếu con muốn mua iPhone, ba mẹ sẽ tài trợ 9/10, còn con chỉ cần bỏ ra 1/10 giá trị của chiếc iPhone đó…

Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, cố tình đi học trễ đến mức sắp bị cấm thi tốt nghiệp như trường hợp của V.Sơn chẳng hạn, bạn hãy chịu khó đưa đón trẻ đến trường, triệt tiêu yếu tố mà trẻ muốn “bắt bí” chúng ta, để chúng tự ngộ ra rằng làm thế chỉ tự hại mình.

Nhưng sau giai đoạn “cương” ấy, chúng ta hãy “nhu”. Hãy trò chuyện với con như là người bạn, tìm hiểu tại sao chúng lại khát khao những nhu cầu ấy. Hơn nữa, bạn vẫn có thể là người chủ động đặt ra đề nghị chấp nhận nhu cầu của con với một số điều kiện do chính bạn “soạn thảo”…

Để dạy được con bạn phải đổ mồ hôi và nước mắt. Đánh đập, la mắng thì rất dễ làm nhưng hiệu quả không sâu. Một người cha người mẹ tốt phải là một người cha người mẹ siêng năng và dũng cảm.

“Dạy con khôn ngoan thì không gian nan”.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

(Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM)

0 Hay!
Bình luận
Bạn cần đăng nhập trước khi bình luận

0